Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
BĐS
Sống tại các chung cư – nhìn từ góc độ nhà thiết kế, quy hoạch (09/04/2018)

Thời gian vừa qua, liên tục xảy ra các vụ cháy, đặc biệt là cháy tại các chung cư, điều đó đã tác động đến tâm lý người dân đã, đang và sẽ phải sống trong các chung cư.


Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, việc sống tại các chung cư là xu thế tất yếu tại các đô thị hiện đại, tuy nhiên khi sống tại đó các cư dân cũng cần có ý thức cao trong việc đảm bảo cháy nổ.

Cháy chung cư chỉ chiếm 30%/tổng các vụ cháy

Thực tế phải nhìn nhận, cũng như số liệu đánh giá của các cơ quan quản lý đó là các vụ cháy tại chung cư chỉ chiếm 30%/tổng các vụ cháy.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trong 03 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 120 vụ cháy (so với cùng kỳ giảm 158 vụ, tỷ lệ 57%); làm chết 15 người (so với cùng kỳ tăng 08 người), bị thương 32 người (tăng 19 người); trong đó, có 01 vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina, quận 8, làm chết 13 người, bị thương 28 người.

Số liệu thống kê trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng. Từ năm 2012 cho đến tháng 09/2016, số liệu cho thấy, toàn thành phố chỉ xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở.

Trở lại vụ cháy tại chung cư Carina, các cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân dẫn đến cháy lớn gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng chủ yếu do chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, không tổ chức thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; hệ thống báo cháy chữa cháy không hoạt động dẫn đến việc phát hiện cháy của lực lượng tại chỗ không kịp thời, thông tin báo cháy chậm; lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ hoạt động kém hiệu quả.

Do sự cố lớn như vậy, UBND thành phố vừa có chỉ thị cho Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.

Xu thế chung, chung cư là cuộc sống hiện đại

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hơn 15 năm qua, tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh, đi đôi với xu thế phát triển các chung cư, nhà cao tầng, và đã có hàng chục ngàn hộ gia đình lựa chọn sống trong căn hộ chung cư cao tầng, đi đôi với việc phát triển rất nhiều cao ốc văn phòng, các khu phức hợp có nhiều công năng như văn phòng làm việc, thương mại, dịch vụ, ăn uống, vui chơi giải trí tập trung đông người.

Các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng đang được phát triển tại tất cả các quận, kể cả một số huyện giáp ranh như Nhà Bè, Bình Chánh. Các tòa nhà cao tầng đang tiếp tục được xây dựng với xu thế ngày càng cao hơn như: Landmark Tower Tân Cảng 81 tầng là tòa nhà cao nhất Việt Nam; Bitexco Tower 68 tầng và ngày càng có nhiều tòa nhà chung cư cao trên 30 tầng.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam nhìn nhận do quỹ đất hạn hẹp nên việc sống trong các chung cư tại các đô thị lớn đương nhiên là xu thế chung tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, bên cạnh đó, các sự cố liên quan đến cháy nổ cũng từ yếu tố con người là chính.

Theo ông Hải, do tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều cao ốc mọc lên tại các đô thị lớn trên cả nước trong thời gian qua, bên cạnh những đạt được tích cực, vẫn đang ẩn chứa bên trong nhiều nguy cơ hiểm họa tiềm tàng, trong đó có cháy nổ tại các công trình xây dựng.

Yếu tố con người là chính

Trong đó, ông Hải cho biết: Trên thế giới trong nhiều thế kỷ, lịch sử đã ghi dấu nhiều cuộc hỏa hoạn tại các đô thị, từ quy mô cháy một công trình đến cả một thành phố sầm uất có nhiều cư dân sinh sống (tại châu Âu – Mỹ như Italy, Bỉ, Mỹ…).

Bên cạch các lý do cháy nổ đến từ nguyên nhân khách quan (thiên tai, địch họa, chiến tranh…), còn các lý do chủ quan đến từ sự bất cẩn của con người.

“Nhận thức được rằng, cháy nổ là không thể tránh khỏi trong các hoạt động vận hành xã hội, nhưng quan trọng trên hết đó là ứng xử của cả cộng đồng xã hội và từng cá nhân sẽ như thế nào đối với hiểm họa này”, ông Hải lưu ý.

Trong mọi hoạt động phát triển đô thị và xây dựng, vận hành sử dụng các công trình (từ nhỏ đến lớn, thấp tầng đến cao tầng), yếu tố phòng và chống cháy nổ được các nhà quản lý đô thị và chuyên môn nghiên cứu, và đưa ra nhiều biện pháp kỹ thuật trở thành quy phạm bắt buộc (luật) được áp dụng ngay từ những bước nghiên cứu đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế công trình, thi công lắp đặt đến quản lý vận hành và sử dụng, bên cạnh đó, việc kiểm tra giám sát định kỳ với các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng được nghiêm túc thực hiện (các trụ nước chữa cháy trên các đường phố trong các đô thị, thiết bị báo cháy tự động tại các cao ốc, hệ thống thoát hiểm và cứu nạn cứu hộ...), ngoài ra công tác tập huấn kiến thức PCCC cũng được tiến hành định kỳ và thường xuyên từ các đơn vị chuyên ngành.

Với nhiều ứng dụng và đầu tư thiết bị kỹ thuật hoàn hảo nhất, biện pháp phòng chống cháy nổ ưu việt nhất, nhưng trong thời gian qua, tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều vụ hỏa hoạn cháy nổ mà điển hình tại các chung cư lớn, tập trung đông dân cư, vẫn xảy ra đem lại thiệt hại không nhỏ về tính mạng con người, vật chất và tinh thần cũng như ổn định xã hội. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Ông Hải dẫn chứng, tại Hà Nội người dân đã bỏ than tổ ong còn cháy vào ống dẫn rác, không nói đến chuyện vật liệu của ống dẫn rác bị thay đổi so với thiết kế ban đầu (ống nhựa thay cho ống kim loại), thì việc ý thức hay kiến thức của cá nhân người đổ rác (nói riêng) đã nhận thức đến đâu (hay vô thức) khi đem than còn cháy đổ vào thùng rác tập thể, nơi có rất nhiều chất thải dễ bắt cháy.

“Đối với việc cháy tại chung cư Carina vừa xảy ra, việc người dân chặn chèn cửa thoát hiểm để tiện đổ rác hay đi lại giữa các tầng gần nhau (do thang máy phải chờ đợi lâu), nhất là tầng thấp gần tầng hầm để xe, hành động này gần như phổ biến tại các chung cư có đông cư dân hiện nay và cũng hầu như được mọi cư dân xem là điều bình thường (kể cả lực lượng bảo vệ chung cư), nó chứa đựng một hiểm họa lớn mà chỉ đến khi xảy ra sự việc có thiệt hại thì mọi người mới nhận thức được tầm quan trọng của cửa thoát hiểm mở một chiều có tác dụng ngăn khói và tạo áp tránh cháy lan giữa các tầng, giúp cư dân theo cầu thang thoát hiểm di chuyển xuống bên dưới để thoát ra ngoài”, ông Hải chỉ rõ.

Do đó, cần có ý thức hơn

Dưới góc độ là một nhà quy hoạch, ông Hải cho biết đất nước trong tiến trình phát triển đi lên và hội nhập quốc tế, mô hình ở theo dạng chung cư đang là lựa chọn cho một lối sống hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay, để bắt kịp và hòa nhịp với cách sống công nghiệp này, đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cá nhân người dân phải tự kịp trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về lối sống cộng đồng cư dân có sử dụng chung một tiện ích hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, ý thức bảo vệ mọi người là bảo vệ chính mình luôn (trong đó có gia đình mình) là một nhận thức thường xuyên.

Để các quần cư được sống ổn định, an toàn, tiện nghi, lâu dài trong các chung cư, đòi hỏi nhà quản lý đô thị cũng phải nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc thường xuyên phổ biến kiến thức cơ bản về chung sống cộng đồng đến từng cá nhân cư dân, giúp cư dân nhận thức và kiểm soát được các hành động, hành vi của mình trong việc sử dụng chung tiện tích ích xã hội và hạ tầng kỹ thuật; thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, bảo vệ an toàn các tiện ích chung; thường xuyên tập huấn cho cư dân khả năng ứng phó đối với các nguy cơ hiểm họa có thể xảy ra tại các chung cư trong đó có hiểm họa cháy nổ.

Cuối cùng, yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định trong mọi sự việc, để các cư dân sống trong chung cư ý thức được trách nhiệm và hành vi của mình đem lại sự an toàn cho cả cộng đồng trong đó có mình và gia đình mình, phải luôn nhớ rằng: “Cháy là chết, làm sao để không cháy”, đây là câu nói của một kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế cao ốc 99 tầng tại Cửu Long Hongkong.

Theo baoxaydung.com.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: