BĐS |
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Thủ tục hành chính phù hợp thực tiễn
(28/04/2023)
Nhiều thủ tục hành chính được quy định bởi pháp luật kinh doanh BĐS hiện hành đã góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với sự phát triển nóng của thị trường BĐS trong những năm qua, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính để phù hợp thực tiễn. Các thủ tục hành chính được rà soát để bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các quy định pháp luật khác. Thủ tục hành chính đảm bảo hợp pháp, hợp lý Trong Luật Kinh doanh BĐS 2014, nhiều thủ tục hành chính đã được quy định rõ hơn như việc cấp và cấp lại chứng chỉ môi giới BĐS, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án. Các thủ tục này góp phần tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, khi tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phù hợp được coi là “công cụ” hữu hiệu để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐS. Thông qua các thủ tục hành chính, cơ quan Nhà nước có thể điều tiết thị trường, đảm bảo sự ổn định, chặt chẽ và hiệu quả. Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng khẳng định, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung thủ tục hành chính cho phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội. Với quan điểm, thủ tục hành chính là nội dung cần được quy định trong Luật sửa đổi lần này, bảo đảm theo hướng cải cách đơn giản, công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Theo Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tại dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) lần này, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS đều tuân thủ nguyên tắc về trình tự, thủ tục, bảo đảm đúng thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, thủ tục hành chính quy định trong dự thảo Luật lần này đã rõ ràng, chi tiết, cụ thể. Đặc biệt, với các trường hợp nhiều bước, nhiều giai đoạn thực hiện mà có liên quan đến các thủ tục do pháp luật khác quy định thì dự thảo cũng đã dẫn chiếu rõ ràng (như trong nguyên tắc và thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) đảm bảo thống nhất. Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS cho biết: Các thủ tục hành chính quy định trong dự thảo Luật sửa đổi được nghiên cứu theo hướng đồng bộ, thống nhất với các thủ tục hành chính có liên quan trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... “Việc dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định dẫn chiếu sang pháp luật liên quan khác sẽ tránh được tình trạng chồng chéo và làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi thực hiện, áp dụng pháp luật” - ông Hải chia sẻ thêm. Có thể kể đến các thủ tục như phê duyệt, thẩm định dự án nhà ở liên quan đến Luật Xây dựng, trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì thực hiện theo pháp luật đầu tư, trường hợp đấu thầu thì thực hiện theo pháp luật về đấu thầu... Nhiều chuyên gia đánh giá, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có 2 nhóm thủ tục hành chính, đó là thủ tục quy định về kinh doanh BĐS và nhóm thủ tục quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS. Phần lớn các thủ tục tiếp tục được kế thừa từ các thủ tục hiện hành hoặc điều chỉnh lại từ thủ tục bị cắt giảm (như công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS; thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS). Về cơ bản, các thủ tục hành chính do được kế thừa từ trước nên bảo đảm tính hợp lý về hình thức tên gọi, đối tượng thực hiện và cơ quan giải quyết. Trước hết, ngay từ tên gọi thủ tục được xác định rõ đều nằm trong các Nghị định đã công bố trên Cổng thông tin Quốc gia về thủ tục hành chính. Đồng thời, trong tên của thủ tục cũng chỉ rõ hoạt động của tổ chức, cá nhân và đối tượng thực hiện khi tham gia vào từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư thì đối tượng là chủ đầu tư; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do UBND cấp tỉnh quyết định việc đầu tư; hay thủ tục cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS thì đối tượng là cá nhân... Trong dự thảo Luật đều quy định rõ về thẩm quyền cơ quan giải quyết thủ tục hành chính là Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng, hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Việc quy định rõ cơ quan giải quyết sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính dễ dàng liên hệ, tới đúng nơi giải quyết, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thủ tục. Như vậy, có thể nói rằng các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) lần này bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý. Khuyến khích mua, bán thông qua sàn giao dịch BĐS Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có tổng cộng 6 thủ tục hành chính, trong đó tiếp tục giữ nguyên 4 thủ tục đang được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và điều chỉnh, bổ sung thêm 1 thủ tục đã được bãi bỏ trước đó nay thấy cần thiết phải được tiếp tục quy định trong Luật sửa đổi lần này. Mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính là tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tham gia lĩnh vực đầu tư phát triển và quản lý nhà ở nên dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tiếp tục kế thừa, đưa 4 thủ tục đang được quy định tại các văn bản dưới pháp luật hiện hành, vẫn phù hợp với thực tế. Quan điểm kế thừa này của cơ quan soạn thảo sẽ hạn chế tối đa việc thay đổi các quy định về thủ tục hành chính sau khi Luật mới được ban hành, vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục thực hiện, bảo đảm tính ổn định thống nhất của các quy định pháp luật. Đáng chú ý, thủ tục hành chính công nhận hoạt động của sàn giao dịch BĐS dự kiến đưa vào dự thảo lần này nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Trên cơ sở chính trị thì việc quy định thủ tục hành chính này trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) là thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trong đó có nội dung quan trọng "Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...”. Nhìn dưới góc độ pháp lý và thực tiễn cho thấy, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành không quy định bắt buộc việc giao dịch, mua bán BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Do vậy, các điều kiện thành lập, hoạt động của sàn giao dịch BĐS hiện nay còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Trao đổi về đề xuất mới này, ông Hoàng Hải phân tích: Dự thảo Luật sửa đổi lần này, dự kiến sẽ quy định các giao dịch bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai phải thông qua các sàn giao dịch BĐS. Đặc biệt, các hoạt động chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS cũng phải qua sàn giao dịch. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm đồng bộ hóa với quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, góp phần minh bạch hóa các thông tin về thị trường BĐS, nâng cao trách nhiệm của từng chủ thể tham gia thị trường (bao gồm thông tin về BĐS, thông tin về các chủ thể tham gia giao dịch như người mua, người bán, môi giới). Minh bạch hóa được thị trường, sẽ chống được “lợi ích nhóm” của một số chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS, người dân khi cố tình liên kết giao dịch ngầm nhằm “trốn thuế” hay ôm hàng tăng giá bán làm lũng đoạn thị trường. Nhiều chuyên gia pháp lý cũng đánh giá cao đề xuất này, thủ tục góp phần tăng tính cạnh tranh lành mạnh đối với các sàn giao dịch BĐS. Các sàn giao dịch sẽ phải chú trọng tới xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chuyên môn, năng lực tài chính, tính minh bạch, đội ngũ nhân sự... để có đủ điều kiện được phân phối sản phẩm cho các chủ đầu tư. Người dân có nhu cầu sẽ được đảm bảo về quyền lợi khi thêm một hành lang pháp lý, kênh thông tin an toàn về BĐS để người dân không bị mua nhầm các dự án ma, dự án không đủ điều kiện pháp lý. Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường BĐS, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định. Tinh thần chung của các thủ tục hành chính quy định trong Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ theo hướng cải cách, đơn giản hóa, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều thủ tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân khi giao dịch mua, bán, chuyển nhượng các loại hình BĐS luôn yêu cầu công khai, an toàn, thông tin và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Theo Baoxaydung.com.vn CÁC TIN KHÁC
Nguyên nhân nào khiến chung cư Hà Nội 'sốt giá'?
(02/05/2024)
Hà Nội: Tiến hành rà soát đất đấu giá, đất xen kẹt
(01/04/2024)
|