Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
BĐS
Di sản chưa được xếp hạng, cần cấp bách bổ sung cơ sở pháp lý, quản lý (20/08/2018)

Xây dựng công trình mới trước thực trạng các di sản quy hoạch, kiến trúc ngày một hư hao, xuống cấp hay bị phá bỏ để làm dự án mới, việc đổi mới tư duy bảo tồn di sản đô thị là cần thiết và cấp bách. Bài viết nhìn lại vấn đề của các di sản chưa được xếp hạng, thông qua đó đưa ra các định hướng, giải pháp ứng xử, cần xem xét, điều chỉnh, sửa đổi Luật Di sản văn hóa với các nền tảng pháp lý phù hợp hơn trong công tác bảo tồn và phát triển đô thị.


Dinh Thượng thư hiện nay

Trong quá trình phát triển mạnh mẽ tại các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt kể từ thập niên 1990 đến nay, mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và phát triển ngày càng sâu sắc. Số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn, thậm chí còn cao hơn mức độ bị tàn phá bởi chiến tranh. Việc đặt cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc chủ yếu dựa trên bộ Luật Di sản Văn hóa cho thấy nhiều bất cập, trong đó đáng lưu ý nhất là không giải quyết được giải pháp bảo tồn cho các di sản chưa được xếp hạng.

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo cần thay đổi tư duy bảo tồn di sản đô thị, trong đó cần cấp bách và đặc biệt lưu ý đến giải pháp bảo tồn cho các di sản chưa được xếp hạng, hiện chưa được bảo vệ bởi các cơ sở pháp lý, tuy hiện nay chiếm tỷ lệ rất cao so với các di tích đã được xếp hạng, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ hoặc bị sửa đổi không đúng cách, trước áp lực phát triển của các dự án xen cấy vào không gian lịch sử tại đa số các đô thị trên toàn quốc.

Bài viết nhìn lại vấn đề của các di sản chưa được xếp hạng thông qua điển cứu TPHCM, qua đó đưa ra các định hướng để thay đổi Luật Di sản Văn hóa, với các nền tảng pháp lý cho việc ứng xử phù hợp hơn trong công tác bảo tồn và phát triển đô thị.

Từ câu chuyện Bảo tồn Dinh Thượng Thơ trong dự án mở rộng Trụ sở UBND & HĐND TPHCM. Theo một phương án của Công ty GENSLER cuối năm 2017, được chọn trưng bày lấy ý kiến người dân trước khi quyết định dự án mở rộng Trụ sở UBND & HĐND TPHCM dự kiến chỉ giữ lại tòa nhà UBND TP và phá bỏ nhiều công trình di sản có giá trị khác, bao gồm Dinh Thượng Thơ, trong diện tích khuôn viên dự án rộng hơn 18.000m2, với bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi.


Dinh Thượng thư trong lịch sử

Dự kiến, đây sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc, khoảng 1.700 người (gồm: Văn phòng UBND Thành phố, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, và Sở Giao thông Vận tải).

Dinh Thượng Thơ, còn gọi là Sở Nội vụ (Direction de l’intérieur) được xây dựng vào năm 1860, để làm nơi điều hành trực tiếp toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa thời Pháp thuộc. Ngày nay, Dinh Thượng Thơ là trụ sở Sở thông tin Truyền thông của Thành phố (59-61 Lý Tự Trọng, Quận 1 TPHCM).

Một số nhà quản lý ở thành phố cho rằng, công trình dinh Thượng Thơ không phải là di tích đã được xếp hạng, cũng không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành Văn hóa thể thao nên không thể bảo tồn mà sẽ phá đi để xây dựng công trình mới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dân lo ngại việc phá dỡ Dinh Thượng Thơ (Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM) là một di sản kiến trúc quan trọng của Thành phố, sẽ khiến di sản ký ức đô thị của Thành phố bị tổn hại lớn. Do đó, một nhóm trí thức trong và ngoài nước đã có bản kiến nghị gửi UBND TPHCM đề nghị hủy bỏ phương án xây mới trung tâm hành chính trên nền công trình cổ hơn 130 tuổi này. Sau vài tuần phát hành bản kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ thông qua mạng xã hội, đã có hơn 6.000 chữ ký bày tỏ ủng hộ. Một điều tra khác trên mạng của báo Tuổi Trẻ cũng cho thấy khoảng 80% người trả lời đồng tình với quan điểm bảo tồn Dinh Thượng Thơ.

Rất đáng mừng là sau đó, các nhà lãnh đạo TPHCM đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến chuyên gia và người dân, và quyết định giữ lại Dinh Thượng Thơ.

Tuy nhiên, việc người dân bức xúc trước các đề xuất phá bỏ Thương xá Tax, Dinh Thượng Thơ, biệt thự quận Bình Thạnh,… cho thấy việc bảo vệ các di sản chưa được xếp hạng cần một hành lang pháp lý cụ thể hơn, để về sau không còn tiếp tục xảy ra tình trạng nhiều công trình di sản tiếp tục bị đe dọa, và tiếp tục gây lãng phí về thời gian, kinh phí, cũng như công sức của các nhà quản lý và người dân.

Nhiều công trình di sản quan trọng chưa được xếp hạng

Trong các đô thị trên toàn quốc hiện nay, danh sách di tích được xếp hạng chiếm một con số khiêm tốn so với các công trình di sản chưa được xếp hạng.

Đơn cử một ví dụ điển hình, trong danh sách các công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích trên địa bàn TPHCM (tính đến hết tháng 5 năm 2017) ghi nhận 172 di tích đã quyết định xếp hạng bao gồm:

02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử);

56 di tích quốc gia (02 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử);

114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích – lịch sử).

Tuy nhiên, nhiều công trình quan trọng mang dấu ấn đặc trưng của Thành phố không hề được đưa vào danh sách này, như: Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bưu điện TPHCM, Chợ Bến Thành, Nhà Thờ Đức Bà; Khu biệt thự cổ tại các đường Tú Xương, đường Phùng Khắc Khoan; Bảo tàng Mỹ thuật (Nhà Chú Hỏa); Khu biệt thự ngoại giao đường Lý Thái Tổ…

Tuy một số công trình này được tạm thời đưa vào một danh sách khác để bảo tồn tạm thời trong khi chờ xếp hạng di tích, nhưng danh sách này chỉ có thời hạn mỗi 05 năm phải được gia hạn tiesp để giữ hiệu lực, và bỏ sót rất nhiều công trình di sản khác của thành phố. Nếu như việc dinh Thượng thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của TPHCM là lý do chính để cấp phép phá bỏ tòa nhà lịch sử này thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của chúng ta, không riêng tại TPHCM và trên quy mô cả nước đang có vấn đề khá nghiêm trọng. Bởi hiện nay nhiều công trình lịch sử có giá trị khác của Sài Gòn 300 năm đều không có tên trong danh sách này. Và đó có thể cũng sẽ là lý do “hợp pháp” tương tự để phá bỏ các công trình này bất kỳ lúc nào, khi cần xây nhà cao tầng “để phát triển”.


Chợ Bến Thành, một công trình kiến trúc công cộng có giá trị tại TPHCM thuộc di sản đô thị chưa được xếp hạng

Cần tiếp tục điều chình sự thiếu sót của di sản Văn Hóa

Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.Luật này tuy đã và đang góp phần bảo tồn các di sản văn hoá Việt Nam, nhưng việc thực hiện vẫn còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc. Trong đó bất cập lớn nhất là luật này chưa đưa ra được đầy đủ các giải pháp định hướng, phân công trách nhiệm, cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện cho việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có bốn cách ứng xử chính đối với công trình di sản quy hoạch kiến trúc như sau:

Bảo tồn di sản (Preservation), là định hướng giữ lại các công trình và bao cảnh vào thời điểm lịch sử của chúng, tôn trọng và giữ lại tất cả những thay đổi xảy ra trong các thời kỳ trong quá khứ, nếu có. Quần thể Acropolis và đền Parthénon tại Hy Lạp ngày nay là ví dụ điển hình của định hướng bảo tồn di sản.

Cải tạo di sản (Rehabilitation), là định hướng cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm cho các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình. Quy hoạch kiến trúc cải tạo khu Xintiandi (Thượng Hải) là một ví dụ điển hình của định hướng này.

Phục hồi di sản (Restoration), là định hướng tái lập tình trạng ban đầu khi công trình di sản được xây dựng đầu tiên, gỡ bỏ tất cả những thay đổi điều chỉnh xảy ra trong các thời kỳ lịch sử kế tiếp.

Tái thiết di sản (Reconstruction), là định hướng tái tạo mới một công trình di sản, hoặc một tổ hợp di sản với bao cảnh, đã bị hủy hoại theo thời gian. Chùa Một Cột ở Hà Nội, xây dựng lại theo nguyên bản thời Lý, sau khi bị Pháp phá hủy năm 1954, là ví dụ điển hình của định hướng tái thiết di sản.

Việc quản lý di sản hiện nay chủ yếu chỉ dựa vào Luật Di sản Văn hóa, trong khi luật này chỉ tập trung vào lãnh vực bảo tồn di tích (Preservation), xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo di sản, phục hồi di sản, và tái thiết di sản. Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều công trình có giá trị lịch sử, chỉ vì chưa kịp hoặc chưa được xếp hạng di tích, thì không được bảo vệ thông qua cơ sở pháp lý, có nguy cơ bị phá bỏ để làm dự án một ngày nào đó. Một nguy cơ cực đoan khác là nếu xem mọi di sản đều là di tích thì mới được xem xét để bảo tồn, thì danh sách này quá dài, vừa tạo nên xu hướng bảo tàng hóa đô thị di sản, phi khoa học, phi thực tế, vừa không thể nào có đủ ngân sách để phục vụ công tác bảo tồn cho số lượng di tích quá lớn.

Trên thực tế, tại các đô thị có bề dày lịch sử trên thế giới, di tích cũng thường chỉ chiếm một phần nhỏ của di sản quy hoạch kiến trúc, trong khi phần quan trọng chiếm số lượng lớn nhất trong đô thị di sản thường thuộc vào thể loại cải tạo di sản.

Trong thể loại cải tạo di sản, trọng tâm không chỉ là bảo tồn mà là bảo tồn kết hợp với khả năng cải tạo và mở rộng, có nghĩa là trong đó cần quy định rõ phần nào cần phải giữ lại, phần nào có thể cho phép cải tạo theo quy định hướng dẫn.

Luật di sản văn hóa, do đó, cần được gấp rút bổ sung các điều khoản sâu rộng hơn để tạo nền tảng pháp lý cho bốn loại ứng xử với di sản như trên, không theo hướng bảo tàng hóa toàn bộ di sản trong đô thị, mà chỉ bảo tồn một số di tích tiêu biểu nhất, còn lại thì phải hướng dẫn việc cải tạo và mở rộng số lượng lớn các thể loại di sản khác, để đưa vào phục vụ đời sống văn hóa và kinh tế xã hội.

Trong đó, cần bổ sung các điều khoản pháp lý để các nhà quản lý đô thị không thể lấy lý do hành chính (chậm làm thủ tục, chưa được đưa vào danh sách di tích,…) để bỏ qua trách nhiệm bảo tồn các công trình di sản chưa được xếp hạng.

Ngoài ra, luật Di sản Văn hóa này còn có thể tham khảo các bộ luật và nghị định về bảo tồn các loại công trình di sản quy hoạch, kiến trúc ở nước ngoài, để xem xét, chọn lọc các điều luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam, giúp tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho việc đưa ra các phụ lục hoặc thông tư hướng dẫn chi tiết việc quản lý các loại công trình di sản cải tạo, việc phục hồi hoặc cải tạo nâng cấp các công trình di sản (quy định về không gian, chiều cao, màu sắc, vật liệu, nội thất, thiết bị,..), việc cải tạo mở rộng các công trình di sản (nguyên tắc kết nối và cách ly, giới han an toàn, …), việc quản lý hoạt động trong các khu di sản,…

Theo Kientrucvietnam.org.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: