Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
BĐS
Chuyển đổi nhà ở cho học sinh, sinh viên thành NƠXH: Tránh tình trạng dở dang, lãng phí (24/07/2017)

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1598/BXD-QLN phúc đáp Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng 03 hạng mục đầu tư thuộc Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Việc chuyển đổi mục đích của một Dự án không phải là vấn đề quá phức tạp nhưng là bài học nghiêm túc về tư duy và tầm nhìn cho các cơ quan quản lý khi xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển Nhà ở đô thị, bảo đảm chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra.

Những nỗ lực không thành

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, Dự án đã triển khai đầu tư xây dựng 05 hạng mục nhà ở: A1, A2, A3, A5, A6; hạng mục nhà A4 chưa được khởi công do không giải phóng được mặt bằng. Vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Dự án đã giải ngân đến nay là 1.133,094 tỷ đồng. Các hạng mục nhà A1, A5, A6 đã bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 02/2015; hạng mục nhà A2, A3 đã thi công xong phần thô và hoàn thiện một phần, hiện đã dừng triển khai do chưa có nguồn vốn để tiếp tục thực hiện. Điều đáng nói, số lượng sinh viên vào ở tại Dự án không nhiều (có khoảng 3.100 sinh viên vào ở, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%).

Đáng chú ý là trước khi triển khai dự án, theo tổng hợp đăng ký của các trường về số lượng sinh viên có nhu cầu muốn vào ở tại dự án lên tới 15.000 sinh viên. Qua khảo sát và tổng hợp ý kiến của sinh viên tại các trường đại học và tại các khu vực tập trung đông sinh viên cho thấy một số nguyên nhân chính ảnh hưởng tới “sức hút” của sinh viên đối với dự án nhà ở này.

Một trong số các nguyên nhân khiến nhiều học sinh, sinh viên cảm thấy chưa thực sự thuận tiện đó là cả khu nhà mới chỉ có 01 tuyến xe bus (tuyến 60A) phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên đến Bến xe Nam Thăng Long theo đường vành đai III. Như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo lớn ở lân cận khu nhà ở theo các hướng: Giáp Bát, Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Ô Chợ Dừa, Đê La Thành...

Mặt khác, được biết, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có mức giá cho thuê là 205.000 đồng/sinh viên/tháng, giá cho thuê xác định theo nguyên tắc chỉ tính đủ các chi phí quản lý, vận hành và bảo trì (không tính chi phí khấu hao vốn đầu tư xây dựng và tiền sử dụng đất). Các chi phí sử dụng điện, nước không tính trong giá cho thuê của sinh viên và được tính theo giá sinh hoạt.

Để khắc phục những khó khăn trên, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, bố trí tuyến xe buýt từ Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp chạy dọc đường Giải Phóng để phục vụ học sinh, sinh viên các trường Đại học: Bách Khoa, Xây dựng, Kinh tế Quốc dân… Đồng thời, Sở Xây dựng làm việc với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn thành phố để tổng hợp nhu cầu về nhà ở học sinh, sinh viên; phối hợp với các trường tăng cường tuyên truyền, khuyến khích học sinh, sinh viên yên tâm sinh sống tập trung tại khu nhà ở này.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, để thực hiện kế hoạch lấp đầy 50% quỹ nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Ban Quản lý Khu nhà đã và đang triển khai nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá nhằm thu hút sinh viên đến ở tại khu nhà như: Gửi công văn, dán poster, treo băng rôn tại các cơ sở đào tạo; tổ chức phát hàng trăm nghìn tờ rơi tại xung quanh khu vực các trường và một số khu tập trung sinh viên thuê trọ; Phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình 3.000 chỗ ở miễn phí, xe hỗ trợ miễn phí... cho phụ huynh và học sinh trong mùa tuyển sinh 2015 - 2016; Đồng thời thông qua các chương trình của đoàn thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội đồng hương của các cơ sở đào tạo, các tỉnh thành để giới thiệu khu nhà ở đến học sinh, sinh viên từ Hà Tĩnh trở ra… Tuy nhiên, hiệu quả thu hút thực sự tăng không đáng kể.

Bài học lớn

Hiện thành phố đã quy hoạch và có kế hoạch di chuyển các trường đại học ra bên ngoài các quận nội thành, đồng thời sẽ triển khai đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại những địa điểm khác phù hợp với nhu cầu và điều kiện sinh hoạt của sinh viên.

Số tiền vài trăm ngàn đồng/sinh viên/tháng chi phí cho việc lưu trú sinh hoạt ở Hà Nội không phải là con số lớn với bài toán kinh tế của số đông viên chức lao động ngoại tỉnh cho con về Hà Nội học. Vậy đâu là nguyên nhân khiến mục tiêu Dự án không đáp ứng được kỳ vọng? Đó chính là vì các nhà hoạch định chính sách mới chỉ căn cứ theo nhu cầu về số lượng mà chưa quan tâm đến tập quán sinh hoạt của chính đối tượng thụ hưởng.

Do đặc điểm khu ký túc xá tập trung, cao tầng, không cho phép sinh viên nấu ăn tại phòng để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và bếp ăn phục vụ sinh viên được thiết kế tại tầng 01 nên với một số đối tượng sinh viên muốn tự nấu ăn họ không thích ở tại đây. Một số đối tượng sinh viên còn có thói quen sử dụng nhà trọ để được tự do, tiện đi lại và linh hoạt trong sử dụng; một số đối tượng sinh viên vừa đi học vừa đi làm không thể ở vì khó khăn trong đi lại và tìm kiếm việc làm.

Một lý do nữa khiến dự án chưa thu hút được sinh viên đến ở là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh khu vực chưa phát triển đồng bộ, thiếu khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim...; trong khi giá cho thuê nhà trọ sinh viên tại khu vực lân cận cũng được các chủ nhà trọ giảm mạnh nhằm níu kéo sinh viên, nhất là sau khi khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đi vào hoạt động.

Những lưu ý khi chuyển đổi

Tại Khoản 2 Mục III Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP đã có quy định: “Việc chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đang được đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ nhưng không đủ nguồn vốn bố trí tiếp phải có chương trình, kế hoạch tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào từng dự án cụ thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục theo hướng: Nhà nước rút toàn bộ vốn đã đầu tư vào dự án; Nhà nước góp phần vốn đã đầu tư cùng doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư dự án và cùng khai thác; Nhà nước chuyển toàn bộ vốn đã đầu tư vào dự án cho chủ đầu tư mới”.

Căn cứ các quy định nêu trên, để tránh tình trạng dở dang, lãng phí vốn đầu tư xây dựng, đồng thời giải quyết nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội (NƠXH) của thành phố, sau khi kiểm tra thực tế tại Dự án, Bộ Xây dựng có ý kiến cho rằng có thể xem xét, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở cho học sinh, sinh viên sang thành NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước để dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định trên địa bàn thành phố, theo hướng thành phố cân đối nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để hoàn thành, đưa vào sử dụng các hạng mục này.

Đối với hạng mục nhà A4 chưa khởi công, có thể xem xét, chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3, A4 phải báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép vì Dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư xây dựng bằng vốn TPCP.

Đối với đề xuất áp dụng hình thức chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở cho học sinh, sinh viên sang NƠXH đảm bảo tính khả thi, tránh thất thoát, nhanh chóng thu hồi vốn TPCP đã đầu tư vào các hạng mục A2, A3 để thanh toán nợ đọng, thanh quyết toán cho hạng mục nhà A1, A5, A6; đồng thời lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án NƠXH tại khu đất chưa giải phóng mặt bằng nhà A4.

Chương trình xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2009 - 2015 đến nay đã kết thúc. Trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở cho học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... thì UBND TP Hà Nội phải hoàn trả nguồn vốn TPCP đã đầu tư tại các hạng mục này vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước của thành phố.

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: