Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
Người dân 7 quận, huyện Hà Nội bị tác động bởi 'siêu dự án' vành đai 4 (09/12/2022)

Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô đoạn trên địa bàn Hà Nội dài khoảng 59,2 km, đi qua quận Hà Đông và 6 huyện ngoại thành. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án khoảng 766,3 ha.

Từ quận Cầu Giấy chuyển về định cư ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thu Trang không nghĩ rằng gia đình mình có thể sẽ phải chuyển nhà thêm một lần nữa trong vài tháng tới. Khu đất nhà chị nằm trong diện giải phóng mặt bằng để làm đường vành đai 4.

"Sau 10 năm lập nghiệp ở Hoài Đức trên mảnh đất bố mẹ đã mua, vợ chồng tôi và hai đứa con đang rất lo lắng vì có thể tiếp tục phải di dời", người phụ nữ e ngại.

2 lần đất ở "rơi" vào nơi dự án đi qua

Trước năm 2010, khi biết tin nơi ở của gia đình nằm trong diện giải tỏa để làm dự án xây trụ sở Bộ Công an ở đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy), bố mẹ chị Trang đã quyết định rời nhà đi, chuyển cả xưởng sản xuất cơ khí đến một vùng đất mới.

Gia đình vốn có nghề làm cơ khí, chị Trang cùng chồng tiếp tục phát triển nghề và tậu thêm một cơ ngơi khang trang cùng 3 xưởng sản xuất ngay cạnh nhà.

Thời điểm gia đình chị chuyển đến Đức Thượng, nơi đây vẫn còn tương đối hoang vu vì xung quanh toàn cánh đồng. Sau khi quốc lộ 32 mở ra, ven theo tuyến đường này, các hộ dân dần trở nên đông đúc.

Người dân 7 quận, huyện Hà Nội bị tác động bởi 'siêu dự án' vành đai 4
Dự án vành đai 4 được kỳ vọng kết nối khu vực ngoại thành với nội thành Hà Nội cùng các địa phương lân cận.

Cuối năm 2021, chính quyền xã Đức Thượng mời gia đình chị Trang đến họp để thông tin về những dự án tương lai của khu vực này.

Tại cuộc họp, chị biết được quốc lộ 32 chạy ngang qua nhà sẽ mở rộng ra khoảng 5-10 m. Theo kế hoạch, gia đình chị sẽ "hiến" 1/3 diện tích đất hiện có để mở rộng đường, còn lại vẫn có thể giữ lại 2/3 để định cư và kinh doanh.

Nhưng kể từ sau khi dự án vành đai 4 được phê duyệt vào hồi tháng 6, người phụ nữ lại đứng ngồi không yên khi toàn bộ diện tích đất đang ở nằm lọt trong khu vực cần giải phóng mặt bằng để làm đường vành đai.

Mới năm ngoái, gia đình chị Trang còn thuê thêm một phân xưởng ngay cạnh nhà và đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền máy móc, nhân công. Nếu sắp tới phải giải tỏa nơi đang ở và khu đất đã thuê, số tiền gia đình chị đã đầu tư coi như công cốc vì chưa kịp thu hồi vốn.

Ngoài nguyện vọng được thông tin rõ về thời điểm, diện tích đất thu hồi, chị Trang và gia đình mong muốn có được mức đền bù tương xứng. Nếu chấp nhận di dời, gia đình chị có thể phải đối mặt với khó khăn khi thay đổi cả về chỗ ở, công việc làm ăn kinh doanh, trường học cho hai con nhỏ...

"Hai lần có đất ở nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng để làm dự án, tôi rất hoang mang không biết sắp tới gia đình sẽ chuyển đi đâu hay sẽ được giữ lại một phần đất để tiếp tục sinh sống, kinh doanh", chị Trang tâm sự.

Gia đình chị Trang chỉ là một trong gần 17.000 hộ dân thuộc 7 quận, huyện của Hà Nội có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án vành đai 4. Trong số này, dự kiến có hơn 1.100 hộ cần bố trí tái định cư do phải thu hồi hoàn toàn đất ở.

Những cánh đồng dần biến mất

Khác với lo lắng nơi định cư của chị Trang, anh Nguyễn Đình Văn (Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) băn khoăn khi cánh đồng mà gia đình đã thuê để canh tác nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng làm vành đai 4.

Suốt những năm qua, anh Văn chứng kiến những thửa ruộng ở quê mình dần co lại, nhường chỗ cho các dự án bất động sản. Dù là thủ phủ của hoa tươi, đất ở Tây Tựu không còn nhiều. Người dân muốn trồng hoa để kinh doanh phải thuê đất ở các vùng lân cận.

Anh Văn cũng không ngoại lệ. Gia đình anh thuê một cánh đồng ở xã Hạ Mỗ (Đan Phượng) trong thời hạn 5 năm để trồng hoa. Đây là năm thứ 3 anh gắn bó với thửa ruộng này.

Nhưng trong tương lai, cánh đồng anh đang canh tác cũng sẽ biến mất, thay bằng những con đường bê tông chạy thẳng tắp. Cùng với đó, hạ tầng xung quanh có thể thay đổi chóng mặt do xu hướng phát triển dọc theo vành đai 4.

"Đất thuê vốn không phải của mình, nhưng đất bị thu hồi thì mình không còn nơi để canh tác nữa, phải đi tìm thửa đất mới để thuê lại. Mà không phải đất ở đâu cũng trồng được đúng loại hoa mong muốn", anh Văn nói, mắt hướng ra thửa ruộng trồng hoa ly đang vào vụ thu hoạch cuối năm.

Theo anh, hàng trăm người dân trồng hoa làng Tây Tựu theo xu hướng du canh, đi tìm thuê những thửa ruộng để trồng được loại hoa mình mong muốn. Như loài hoa ly mà gia đình anh đang trồng, các vùng lân cận chỉ có đất ở Đan Phượng là có thổ nhưỡng phù hợp để hoa phát triển.

Dù vậy, người đàn ông mong chờ một siêu dự án chạy qua có thể thay đổi bộ mặt các huyện ngoại thành. Đợi cho đến khi có thông tin chính thức về việc thu hồi đất, anh Văn sẽ đi tìm một cánh đồng mới để thuê lại và tiếp tục trồng những loại hoa phù hợp.

Người dân 7 quận, huyện Hà Nội bị tác động bởi 'siêu dự án' vành đai 4
Phối cảnh dự án vành đai 4 - vùng thủ đô dự kiến đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo thống kê của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, dự án vành đai 4 - vùng thủ đô đoạn trên địa bàn thành phố dài khoảng 59,2 km, đi qua 7 quận, huyện. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án là khoảng 766,3 ha.

Trong đó, có khoảng 17,2 ha đất ở; 694,4 ha đất nông nghiệp và 54 ha đất phi nông nghiệp. Tổng số hộ dân trong diện thu hồi đất là 16.932, nhu cầu tái định cư dự kiến là khoảng 1.113 hộ.

Tại hội nghị thông tin về dự án giữa tháng 11, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh công tác bồi thường hỗ trợ người dân trong phạm vi dự án phải có sự thống nhất. Những khu vực chênh lệch khung giá đất phải có giải pháp hỗ trợ cho bằng nhau để tránh khiếu kiện.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các quận, huyện tăng cường quản lý đất đai theo quy hoạch; ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6 vừa qua.

Với tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, dự án vành đai 4 có chiều dài 112,8 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Dự kiến, đường vành đai 4 vùng thủ đô thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

 

Theo Zingnews.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: