Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
Kiên quyết thoái vốn đầu tư ngoài ngành (14/07/2014)

Đây là quan điểm của Bộ Xây dựng trong việc tái cơ cấu các DNNN thuộc Bộ. Tìm hiểu kỹ về vấn đề này, Báo Xây dựng có cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Xây dựng).

Tiến độ thoái vốn còn chậm

Thưa ông, được biết trong năm 2013, toàn bộ 14 TCty là DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Các đề án này tập trung vào những nội dung nào?

- Ngay sau khi có Chỉ thị số 03/2012/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng và chỉ đạo các TCty xây dựng, trình Bộ phê duyệt các đề án tái cơ cấu. Bộ đã hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), thẩm định, phê duyệt xong toàn bộ 13/13 đề án tái cơ cấu của các TCty 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ.

Việc tái cơ cấu các TCty thuộc Bộ tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính như xây lắp, tổng thầu EPC, đầu tư BĐS, VLXD, đầu tư và kinh doanh thủy điện, cơ khí xây dựng...; đồng thời kiên quyết thoái vốn tại các ngành không thuộc ngành nghề kinh doanh chính như khách sạn, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Theo lộ trình, đến hết năm 2015, số lượng DN có vốn góp của 14 TCty thuộc Bộ sẽ giảm từ 402 DN xuống còn 239 DN, trong đó thoái toàn bộ vốn góp tại 158 DN với tổng giá trị 5.025,78 tỷ đồng (bằng 18,33% tổng số tiền đầu tư vào các DN khác); phá sản 1 DN; giải thể 1 DN; chuyển giao 1 DN và sáp nhập 13 DN.

Bên cạnh đó, các TCty cũng xây dựng các kế hoạch tái cơ cấu về tài chính, đầu tư giai đoạn 2013-2015; tái cơ cấu quản trị DN (trong đó tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động, hệ thống nội quy, quy chế nội bộ, hoàn thiện Chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020, áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quản trị DN quốc tế...)

Các DN triển khai đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, các TCty đang tích cực thực hiện theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trong năm 2013, Bộ Xây dựng thoái vốn thành công tại 13/158 DN thuộc danh mục thoái vốn với tổng giá trị là 380,46 tỷ đồng/5.025,78 tỷ đồng (đạt 7,57% kế hoạch).

Bên cạnh đó, 18 khoản đầu tư với tổng giá trị 1.190,43 tỷ đồng (chiếm 23,69% kế hoạch thoái vốn) đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt, hiện cũng đang triển khai công tác thoái vốn...

Triển khai đề án tái cơ cấu, các TCty đã giảm tỷ lệ góp vốn của nhà nước tại một số đơn vị thông qua hình thức thoái một phần vốn góp hoặc tăng vốn điều lệ. Đơn cử TCty Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) đã bán 22,37% vốn góp tại Cty CP Thủy điện Srok Phu Miêng, TCty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) giảm tỷ lệ vốn góp tại Cty TNHH liên doanh xây dựng VIC từ 51% xuống 36%...

Trong khi đó, TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng (VIGLACERA) tăng vốn tại 3 DN - Cty con, TCty VICEM tăng vốn tại 2 DN...

Với kết quả thoái vốn đạt tỷ lệ 7,57% kế hoạch như ông vừa nêu ở trên, phải chăng việc thoái vốn của DNNN ngành Xây dựng quá chậm?

- Đúng là tình hình thực hiện thoái vốn diễn ra chậm, chỉ hoàn thành 7,57% trên tổng số vốn cần thoái. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường chứng khoán ảm đạm cùng với những quy định khá khắt khe liên quan đến việc thoái vốn dưới mệnh giá, các DN đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, các DN mới đi vào hoạt động chưa có lãi hoặc có lỗ lũy kế… đã khiến tiến trình thoái vốn không đúng với kế hoạch đặt ra. Một số TCty đã thực hiện bán đấu giá nhưng không thành công như TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) chào bán cổ phần của Cty CP Bảo hiểm Hàng không, Cty CP Thủy điện Sông Vàng; TCty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) chào bán cổ phần của Cty CP Xi măng Đô Lương, TCty Sông Đà chào bán cổ phần của Cty CP Thủy điện Trà Xom… nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Việc tái cơ cấu Cty CP Xi măng Đồng Bành mất gần 02 năm…

Bán cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường

Ông có thể cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2015, Bộ Xây dựng chỉ đạo và có những giải pháp nào nhằm giúp các TCty triển khai đề án tái cơ cấu hiệu quả?

- Trong năm 2014, Bộ Xây dựng quyết tâm thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả.

Bộ tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra các DN trực thuộc, chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật.

Theo thẩm quyền, Bộ Xây dựng sẽ kiên quyết xử lý các TCty không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Mục tiêu đề ra là năm 2014, thực hiện được 50% kế hoạch thoái vốn, sáp nhập DN; Hoàn thành việc sắp xếp lại mô hình tổ chức các Cty mẹ. Năm 2015 đạt 100% kế hoạch thoái vốn và các mục tiêu sắp xếp, đổi mới DN.

Vậy, Bộ Xây dựng làm thế nào để thực hiện được kế hoạch thoái vốn, khi mà việc thoái vốn vẫn đang là “bài toán hóc búa”?

- Để đẩy mạnh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu, Bộ Xây dựng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp với các TCty giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, nhất là trong việc thoái vốn tại các khoản đầu tư kém hiệu quả, ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Bộ yêu cầu các TCty xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu của các DNNN theo từng quý; Rà soát và lập kế hoạch, lộ trình bán tiếp phần vốn nhà nước tại các Cty CP xét thấy không cần thiết nắm giữ.

Mặt khác, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý liên quan như văn bản hướng dẫn việc thoái vốn đối với việc góp vốn bằng thương hiệu; hướng dẫn chuyển giao vốn, chuyển giao dự án gắn với chuyển giao vốn giữa các DN khi thực hiện tái cơ cấu...

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo đề án tái cơ cấu của 14 TCty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã được phê duyệt, có 158 danh mục cần thoái vốn với tổng giá trị 5.025,78 tỷ đồng. Các TCty này phấn đấu hoàn thành 50% kế hoạch thoái vốn trong năm 2014 và hoàn thành 100% kế hoạch thoái vốn trong năm 2015.

Theo baoxaydung.com.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: